Diễn đàn Hợp tác Việt Nam - Hoa Kỳ với chủ đề “Đổi mới sáng tạo hướng tới phát triển bền vững” được phối hợp tổ chức bởi Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội, Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị Việt Nam và Đại học Troy (Hoa Kỳ) tổ chức vào ngày 15/11/2024.
Diễn đàn là một trong chuỗi hoạt động quan trọng kỷ niệm 50 năm ngày truyền thống của Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội (1974-2024). Sự kiện cũng là một trong các hoạt động nhân dịp kỷ niệm 1 năm nâng cấp quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện và hướng tới dấu mốc 30 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Hoa Kỳ (1995-2025).
Trong những năm qua, Hoa Kỳ tiếp tục giữ vững vị trí là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, trong khi Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 8 của Hoa Kỳ và là đối tác thương mại quan trọng nhất trong khu vực ASEAN. Cụ thể, kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước ghi nhận mức tăng trưởng đáng kể, trung bình 16% mỗi năm. Tính đến 8 tháng đầu năm 2024, kim ngạch thương mại song phương đạt gần 88 tỷ USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt 77,9 tỷ USD (tăng 24,5%), còn nhập khẩu từ Hoa Kỳ là 9,8 tỷ USD (tăng 5,3%).
Đặc biệt, Hoa Kỳ lần đầu tiên trở thành thị trường lớn nhất cho nông lâm thủy sản của Việt Nam, với kim ngạch đạt 8,58 tỷ USD, chiếm 21,4% tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này. Về đầu tư, Hoa Kỳ hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 11 tại Việt Nam, với hơn 1.340 dự án có tổng vốn đầu tư hơn 11,8 tỷ USD.
Phát biểu tại sự kiện, Phó Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Đồng Huy Cương cho biết, kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1995 và đặc biệt hai nước đã nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững vào năm 2023, Việt Nam và Hoa Kỳ đã chứng kiến tiến bộ đáng kể trong việc tăng cường hiểu biết lẫn nhau, củng cố lòng tin và thúc đẩy hợp tác trên tất cả các lĩnh vực đã từng được Tổng thống Joe Biden và Tổng Bí thư Tô Lâm ghi nhận trong cuộc hội đàm tháng 9 vừa qua.
Ông Đồng Huy Cương tin tưởng rằng sự kiện sẽ là diễn đàn quan trọng để các học giả, nhà kinh tế, chính trị gia, nhà ngoại giao và doanh nhân đánh giá thành tựu, hạn chế, và thảo luận về cách thức khai thác tối đa tiềm năng của quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ. “Mục tiêu của chúng ta là xây dựng một mối quan hệ mang lại lợi ích cho nhân dân hai nước và góp phần vào hòa bình, ổn định, hợp tác và thịnh vượng trong khu vực và trên thế giới, như đã được khẳng định trong Tuyên bố chung của Lãnh đạo hai nước”, Phó Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam nhấn mạnh.
Theo Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Đào Thanh Trường, trong gần 30 năm, thương mại, hợp tác và đầu tư giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã có sự tăng trưởng nhanh chóng và bền vững. “Từ năm 1995 - 2023, thương mại song phương đã tăng từ 450 triệu USD lên hơn 100 tỷ USD, bất chấp những thách thức như đại dịch và bất ổn kinh tế toàn cầu”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đào Thanh Trường thông tin.
Phó Giám đốc Đào Thanh Trường cho biết, là trung tâm đào tạo và nghiên cứu đa ngành hàng đầu Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội cam kết đẩy mạnh quốc tế hóa giáo dục, thúc đẩy mối quan hệ chặt chẽ giữa Việt Nam và các quốc gia trên thế giới, trong đó có Hoa Kỳ. Đại học Quốc gia Hà Nội không chỉ thực hiện sứ mệnh quốc gia thông qua việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao mà còn thông qua nghiên cứu chiến lược, tư vấn chính sách và thúc đẩy hội nhập quốc tế của Việt Nam.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trúc Lê, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội bày tỏ kỳ vọng, diễn đàn không chỉ có sức ảnh hưởng và lan tỏa quốc tế, kết nối trực tiếp cộng đồng học giả, nhà nghiên cứu, nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp giữa Việt Nam và Hoa Kỳ mà còn hướng tới mục tiêu kết nối dòng chảy thương mại, dịch vụ và đầu tư giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, tập trung vào các xu hướng gần đây như ngành công nghiệp chip và bán dẫn, ngành đào tạo nhân lực chất lượng cao, khoa học và công nghệ, thúc đẩy năng lượng hiệu quả và bảo vệ mội trường.
Bà Isabelle Mulin - Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) chia sẻ, USAID hợp tác với Chính phủ Việt Nam, khu vực tư nhân, các trường đại học và tổ chức nghiên cứu, các tổ chức trong nước và quốc tế cũng như các bên liên quan khác kể từ năm 1989 nhằm thúc đẩy các ưu tiên chung. USAID cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong nâng cao năng lực cạnh tranh kinh tế, hiện đại hóa giáo dục đại học, phòng chống các bệnh truyền nhiễm, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo tồn đa dạng sinh học...
Bà Isabelle Mulin cho rằng, để hướng tới phát triển bền vững cần có tầm nhìn chiến lược dài hạn cũng như chú trọng sự hợp tác giữa các bên.
Trình bày tham luận tại diễn đàn, Giáo sư Andreas Hauskrecht của Đại học Indiana, bày tỏ ấn tượng với sự tăng trưởng “thần kỳ” của Việt Nam sau hơn 30 năm kể từ lần đầu ông tới Việt Nam năm 1991. Ông cho rằng động lực chính giúp Việt Nam đạt được những điều này là công cuộc cải cách nền kinh tế theo định hướng thị trường. Cùng với đó, sự kiện bước ngoặt khi Mỹ bỏ lệnh cấm vận của Mỹ với Việt Nam vào năm 1994. Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Mỹ và có thặng dư thương mại lớn thứ ba với Mỹ.
Tuy nhiên, vị giáo sư cho rằng trong bối cảnh hiện tại, nền kinh tế Việt Nam đang tồn tại nhiều hạn chế. Thứ nhất là Việt Nam có độ mở thị trường thuộc hàng lớn nhất thế giới, dẫn tới sự thiếu ổn định và đặc biệt dễ tổn thương trong một số tình huống. Thứ hai là vấn đề thặng dư thương mại lớn với Mỹ. Thứ ba là tính bền vững của trạng thái nhân khẩu học của Việt Nam.
Giáo sư Andreas Hauskrecht cho rằng ở thời điểm hiện tại, năng suất lao động thấp của khu vực kinh tế nhà nước đang kìm hãm tốc độ tăng trưởng của Việt Nam. Bởi, dù kinh tế nhà nước chiếm một cấu phần lớn của nền kinh tế, nhưng khu vực kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mới là nhân tố thúc đẩy tăng trưởng và điều này sẽ không kéo dài mãi mãi.
"Điều thực sự cần thiết là thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân. Chìa khóa ở đây là thế hệ trẻ của Việt Nam có thể kích thích và phát triển khu vực kinh tế tư nhân”, ông Hauskrecht nhận định.
Đồng tình với quan điểm này, Tiến sĩ Vũ Hoàng Linh, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội nhận định, một thách thức lớn của kinh tế Việt Nam hiện tại là phụ thuộc quá nhiều vào lao động giá rẻ với năng suất thấp hơn đáng kể so với các nước láng giềng như Thái Lan, Malaysia.
“Những điều này đặt Việt Nam trước bẫy thu nhập trung bình”, ông Linh nhận định. “Cùng với đó, như nhiều nền kinh tế đang phát triển khác trên thế giới, Việt Nam đối mặt với các rủi ro về môi trường trong dài hạn. Việt Nam cũng đứng trước thách thức lớn khi căng thẳng địa chính trị gia tăng tác động tới hoạt động thương mại. Cùng với đó là thách thức cân bằng giữa mục tiêu tăng trưởng nhanh và đảm bảo môi trường bền vững”.
Trước những thách thức này, ông Linh cho rằng Việt Nam cần nâng cao chất lượng giáo dục và phát triển kỹ năng cho người lao động. Cùng với đó, cần khẩn trương phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo với việc tăng chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển, hỗ trợ các công ty khởi nghiệp và công ty vừa và nhỏ. Đây là những điểm mấu chốt để nâng cao chất lượng lao động.
Ngoài các tham luận đến từ các diễn giả Việt Nam và Hoa Kỳ, các đại biểu còn được tham gia hai phiên thảo luận bàn tròn về "Hợp tác Đầu tư và Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ" và "Hợp tác Đổi mới Sáng tạo và Giáo dục hướng tới Phát triển bền vững".
>> Nguồn: https://giaoduc.net.vn/dien-dan-hop-tac-viet-nam-hoa-ky-doi-moi-sang-tao-huong-toi-phat-trien-ben-vung-post247060.gd